Di chúc có điều kiện
1. Thừa nhận di chúc có điều kiện
Trong thực tế, không ít trường hợp người để lại di sản lập di chúc có điều kiện. Đó là trường hợp một người định đoạt tài sản của mình trong di chúc nhưng nêu thêm điều kiện đối với người được hưởng di sản.
Căn cứ theo quy định tại Điều 120 Bộ luật Dân sự 2015[1] quy định về giao dịch dân sự có điều kiện và Điều 116 Bộ luật Dân sự về giao dịch dịch sự, theo đó, giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương và di chúc là một hành vi pháp lý đơn phương. Phân tích kỹ thì chế định giao dịch dân sự có điều kiện không thể được áp dụng đối với di chúc có điều kiện[2]. Bởi lẽ, theo điều luật triên, trong trường hợp các bên có thỏa thuận về điều kiện phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự thì khi điều kiện đó xảy ra, giao dịch dân sự phát sinh hoặc hủy bỏ. Ở quy định này, điều kiện là do các bên thỏa thuận nhưng di chúc là hành vi pháp lý đơn phương của người để lại di sản. Tuy nhiên, trong quy định tại điểm c khoản 1 Điều 653 Bộ luật Dân sự 2005, thể hiện di chúc phải xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản. Với quy định này, có thể suy luận các nhà lập pháp “ngầm” chấp nhận di chúc có điều kiện. Mặc dù quy định này không được thể hiện trong Bộ luật Dân sự 2015, tuy nhiên, có thể căn cứ vào khoản 2 Điều 631, bên cạnh những nội dung chủ yếu của một bản di chúc như ngày, tháng, năm lập di chúc; họ tên và nơi cư trú của người lập di chúc, họ tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản, di sản để lại và nơi có di sản thì người lập di chúc có thể ghi nhận thêm các nội dung khác. Theo đó, người này có thể ghi nhận một số nội dung để xác lập di chúc có điều kiện. Nhìn từ góc độ lý luận, cá nhân có quyền định đoạt tài sản của mình thì cá nhân cũng có quyền đặt điều kiện cho người hưởng tìa sản của mình khi họ lập di chúc[3].
2. Thực hiện điều kiện của di chúc
Thường thì điều kiện trong di chúc là buộc người thụ hưởng di sản phải làm một công việc gì đó để có thể được hưởng di sản. Để di chúc có điều kiện có hiệu lực thì về những điều kiện mà người để lại di chúc đặt ra phải không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Trường hợp người được để lại di chúc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng điều kiện đề ra thì không làm phát sinh quyền thừa kế theo di chúc của người này hoặc phát sinh một biện pháp xử lý khác được dự liệu trong di chúc. Ngoài ra, đối với trường hợp điều kiện của di chúc không nhằm bảo vệ một chủ thể nhất định thì nên chia di sản trong di chúc theo các quy định của thừa kế theo pháp luật[4].
[1] “Điều 120. Giao dịch dân sự có điều kiện
1. Trường hợp các bên có thỏa thuận về điều kiện phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự thì khi điều kiện đó xảy ra, giao dịch dân sự phát sinh hoặc hủy bỏ.
2. Trường hợp điều kiện làm phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự không thể xảy ra được do hành vi cố ý cản trở trực tiếp hoặc gián tiếp của một bên thì coi như điều kiện đó đã xảy ra; trường hợp có sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của một bên cố ý thúc đẩy cho điều kiện xảy ra thì coi như điều kiện đó không xảy ra.”
[2] Đỗ Văn Đại (2009), Luật Thừa kế Việt Nam – Bản án và bình luận án, NBX Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr 341.
[3] Đỗ Văn Đại (2009), Luật Thừa kế Việt Nam – Bản án và bình luận án, NBX Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr 342.
[4] Đỗ Văn Đại (2009), Luật Thừa kế Việt Nam – Bản án và bình luận án, NBX Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr 346.
Để được tư vấn chi tiết, vui lòng liên hệ chúng tôi theo địa chỉ sau:
Địa chỉ: Văn phòng Luật sư Quang Thái, số 12 Mạc Đĩnh Chi, phường Đakao, Quận 1, TP. HCM.
Website: luatthuake.vn
Email: tuvan@luatsuquangthai.vn
Điện thoại: 090 384 0440