Thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết[1].
Quyền của người lập di chúc[2] là chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế, phân định di sản cho từng người thừa kế, dành một phần di sản trong khối di sản để di tặng, thờ cùng, giao nghĩa vụ cho người thừa kế, chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản. Theo đó, người có tài sản có quyền định đoạt tài sản của mình trong di chúc cho ai theo ý chí của họ nhưng không có toàn quyền trong việc định đoạt này.
Pháp luật Việt Nam có một số quy định về hạn chế quyền định đoạt tài sản của người để lại di sản, có thể kể đến là trường hợp người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc[3].
Theo đó, người thừa kế vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó. Cụ thể:
1. Về đối tượng được hưởng
- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng.
Mặc dù pháp luật dân sự không quy định rõ nhưng để được hưởng sự bảo vệ của quy định này thì phải là vợ, chồng hợp pháp của người lập di chúc. Đối với quy định về đối tượng là cha, mẹ thì pháp luật dân sự không đặt ra là cha ruột, mẹ ruột hay cha nuôi, mẹ nuôi, do đó, trong trường hợp này, người được hưởng phần thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc chỉ cần đáp ứng điều kiện là cha mẹ hợp pháp của người để lại di chúc.
- Con thành niên mà không có khả năng lao động.
Trên nội dung này, có thể nhận thấy Bộ luật dân sự hiện hành không phân biệt con đẻ hay con nuôi, cont ruong giá thú hay ngoài giá thú nên tất cả những người này đều thuộc diện được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Tuy nhiên, Bộ luật dân sự hiện hành không quy định về thời điểm xác định tuổi của người thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc là lúc người có di sản lập di chúc, thời điểm mở thừa kế hay tại thời điểm phân chia di sản. Thiết nghĩ, giải pháp thuyết phục là xác định tuổi tịa thời điểm mở thừa kế[4].
Về quy định đối với trường hợp con thành niên mà không có khả năng lao động, Bộ luật dân sự cũng không có giải thích rõ như thế nào là “không có khả năng lao động”. Tuy nhiên, tại Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP có đưa ta một số trường hợp được coi là “mất khả năng lao động”, đó là trường hợp sau khi điều trị, người bị thiệt hại do bị liệt cột sống, mù hai mắt, liệt hai chi, bị tâm thần nặng và các trường hợp khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên. Nếu một cá nhân thuộc trường hợp này thì thiết nghĩ cũng thuộc trường hợp “không có khả năng lao động” trong quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc.
Tuy nhiên, những quy định này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản hoặc những người này thuộc đối tượng không có quyền hưởng di sản theo quy định của pháp luật.
2. Về phần được hưởng trong di sản
Sau khi xác định được hưởng người thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc, những người này được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật.
Bộ luật dân sự có liệt kê ba hàng thừa kế, tuy nhiên, đối với trường hợp này, chỉ tính thừa kế theo pháp luật đối với những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Bởi những người được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc là một số người thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Khi chúng ta phải xác định quyền lợi của những người này thì điều đó chứng tỏ hàng thừa kế thư nhất tồn tại nên không áp dụng cho hàng thừa kế tiếp theo.
[1] Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015
[2] Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015
[3] Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015
[4] Đỗ Văn Đại (2009), Luật Thừa kế Việt Nam – Bản án và bình luận án, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr 201.
Để được tư vấn chi tiết, vui lòng liên hệ chúng tôi theo địa chỉ sau:
Địa chỉ: Văn phòng Luật sư Quang Thái, số 12 Mạc Đĩnh Chi, phường Đakao, Quận 1, TP. HCM.
Website: luatthuake.vn
Email: tuvan@luatsuquangthai.vn
Điện thoại: 090 384 0440